Mua bán hàng hóa là Hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.
Mua bán hàng hóa (HH) là hoạt động có tính thường xuyên của các Doanh nghiệp (DN) và thường được xác lập bằng một hợp đồng (HĐ) mua bán HH. Tuy nhiên, có rất ít HĐ đề cập đến nội dung “Chuyển rủi ro (RR)”.
Do đó, tranh chấp giữa các bên thường phát sinh khi có RR xảy ra. Để giúp DN hiểu rõ hơn về vấn đề này nhằm hạn chế RR và tranh chấp của đơn vị mình, chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến tư vấn của luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng CN Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng như sau: thứ nhất, pháp luật ưu tiên cho các bên tự thỏa thuận về thời điểm chuyển RR. Luật Thương mại năm 2005 quy định về vấn đề chuyển RR từ Điều 57 đến Điều 61, nhưng tất cả đều bắt đầu bằng: “trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Do vậy, có thể hiểu rằng, dưới góc độ pháp lý, các bên có quyền tùy nghi thỏa thuận về thời điểm chuyển RR. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, khi Mua bán hàng hóa nếu các bên không có thỏa thuận khác, RR chỉ thật sự chuyển từ bên bán sang bên mua khi HH được nhận bởi người có thẩm quyền của bên mua. Người có thẩm quyền của bên mua trước tiên phải là người đại diện theo pháp luật của bên mua (trường hợp bên mua là pháp nhân) hoặc người được ủy quyền. Trên thực tế, hầu hết người nhận hàng là nhân viên của bên mua nhưng ít trường hợp có ủy quyền hoặc văn bản có giá trị tương đương khác. Do đó, về mặt pháp lý, nếu người nhận hàng của bên mua là người không có thẩm quyền, thì khi có RR xảy ra sau thời điểm nhận hàng, bên mua có thể từ chối trách nhiệm đối với RR đó.
Thứ ba, giao hàng đúng địa điểm là điều kiện đủ trong việc chuyển giao RR từ bên bán sang bên mua. Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì “RR về mất mát hoặc hư hỏng HH được chuyển cho bên mua khi HH đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua ủy quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó”. Như vậy, bên bán cần lưu ý rằng nếu các bên đã có thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì khi có yêu cầu về thay đổi địa điểm bởi bên mua, bên bán chỉ nên thực hiện một khi đã nhận được văn bản có giá trị pháp lý về việc thay đổi đó.
Ngoài ra, còn nhiều nội dung mà DN cần lưu ý như: chuyển RR trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định; chuyển RR trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển… Nhưng chung quy lại, trong HĐ mua bán HH, DN cần xây dựng điều khoản “Chuyển RR đối với HH” khi Mua bán hàng hóa.
Để hiểu cụ thể hơn về thời điểm chuyển rủi ro trong từng điều kiện Incoterms, bạn tham khảo bài viết: Những điều khoản trong Incoterms 2010