Tự phục vụ mặt đất là xu thế tất yếu của vận hành hàng không hiện đại
Trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu ngày càng đề cao hiệu quả vận hành và khả năng thích ứng,
mô hình tự phục vụ mặt đất đang trở thành hướng đi tất yếu, giúp các hãng bay chủ động kiểm soát chi phí,
nâng cao năng suất và tối ưu lịch khai thác…
Trong quá trình tái thiết sau đại dịch, ngành hàng không toàn cầu đứng trước yêu cầu
cấp thiết phải nâng cao hiệu quả vận hành. Một trong những chiến lược được nhiều hãng hàng không
lớn áp dụng là dịch vụ tự phục vụ mặt đất. Thực tế cho thấy, đây là giải pháp giúp kiểm soát tốt hơn quy trình khai thác,
giảm chi phí thuê ngoài và tăng cường khả năng thích ứng với biến động.
TỰ PHỤC VỤ MẶT ĐẤT ĐANG TRỞ THÀNH CHUẨN MỚI TOÀN CẦU
Một trong những hãng hàng không thành công với xu hướng này là Southwest Airlines (Hoa Kỳ).
Đây là một trong những hãng hàng không hiếm hoi trên thế giới tự đảm nhiệm gần như toàn bộ
các hoạt động dịch vụ mặt đất tại hơn 93 sân bay nội địa ở Hoa Kỳ.
Các công đoạn như xử lý hành lý, vận hành sân đỗ, đặc biệt là quay đầu máy bay đều được Southwest Airlines
trực tiếp tổ chức và vận hành. Trong một số tình huống giới hạn – như tiếp nhiên liệu hoặc sửa chữa
thiết bị tại các trạm nhỏ – hãng mới sử dụng dịch vụ thuê ngoài.
Southwest duy trì mô hình này không chỉ vì tiết kiệm chi phí, mà còn vì đây là một phần
trong chiến lược vận hành và văn hóa doanh nghiệp. Việc sử dụng nhân sự nội bộ đảm bảo tính nhất quán,
liền mạch và trách nhiệm trong phục vụ hành khách. Văn hóa “One Big Family” –
trong đó mọi nhân viên đều thuộc cùng một tổ chức – giúp tạo ra sự gắn kết và chuyên nghiệp trong từng mắt xích.
Dịch vụ tự phục vụ mặt đất là mô hình mà các hãng hàng không tự đảm nhiệm
các hoạt động như làm thủ tục hành khách, xử lý hành lý, vận hành sân đỗ và quay đầu máy bay.
Việc kiểm soát trực tiếp toàn bộ chuỗi phục vụ không chỉ giúp cắt giảm chi phí thuê ngoài –
vốn thường chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí vận hành sân bay – mà còn góp phần quan trọng
trong việc đồng bộ hoá chất lượng dịch vụ và giảm thiểu độ trễ trong khâu phối hợp giữa các bên.
Theo báo cáo tháng 1/2025 của Cirium, Southwest Airlines đạt tỷ lệ đúng giờ khoảng 82%,
cao nhất trong các hãng hàng không nội địa Bắc Mỹ.
Đây là kết quả trực tiếp từ việc kiểm soát toàn bộ quy trình vận hành, bao gồm cả khâu mặt đất
– một trong những nguyên nhân phổ biến gây chậm chuyến.
Hãng cũng duy trì thời gian quay đầu máy bay (turnaround time) ở mức 15–20 phút,
so với tiêu chuẩn trung bình 45–60 phút toàn ngành, nhờ quy trình boarding tối giản,
đội ngũ đồng bộ và hệ thống điều phối hiệu quả.
Việc rút ngắn thời gian quay đầu giúp Southwest tăng thêm từ 4 đến 6 chuyến bay/ngày/máy bay.
Tại 19 sân bay lớn, sáng kiến cải thiện thời gian quay đầu máy bay của hãng đã giải phóng đủ thời gian
để khai thác thêm năng lực tương đương 16 máy bay mỗi ngày mà không cần tăng đội tàu.
Điều này góp phần duy trì chỉ số chi phí tính trên mỗi dặm ghế (CASM) ở mức thấp nhất trong số các hãng lớn tại Mỹ.
Một ví dụ khác tại thị trường châu Âu là Ryanair.
Năm 2019, hãng bắt đầu triển khai mô hình bắt đầu triển khai chiến lược tự vận
hành dịch vụ mặt đất tại các thị trường trọng điểm để cải thiện hiệu suất và ứng phó với gián đoạn.
Ryanair thành lập Azul Handling tại Tây Ban Nha và Blue Handling tại London Stansted
nhằm đảm nhiệm toàn bộ dịch vụ mặt đất, từ check-in, hành lý, boarding đến ramp và towing.
Tại Stansted, Blue Handling quản lý gần 1.000 nhân viên mang thương hiệu Ryanair.
Mô hình này giúp tăng hiệu quả tới 90% so với giai đoạn thuê ngoài.
Hãng cũng đầu tư khoảng 137 triệu euro cho thiết bị tại hai đơn vị này, bảo đảm chủ động
về phương tiện và hiệu suất. Việc kiểm soát toàn bộ chuỗi không chỉ giúp hãng giảm chi phí,
mà còn hạn chế rủi ro từ lịch bay biến động, đình công hoặc thiếu thiết bị từ nhà cung cấp bên ngoài.
Với quốc gia đông dân như Trung Quốc, Air China cũng đang từng bước áp dụng mô hình tự phục vụ mặt đất.
Tại sân bay Bắc Kinh, hãng tự đảm nhận khoảng 55% tổng khối lượng dịch vụ,
với hơn 5.700 nhân viên và 3.500 thiết bị chuyên dụng.
Air China triển khai nền tảng công nghệ tích hợp gồm 4 phân hệ: giám sát chuyến bay,
lập lịch thông minh, dịch vụ mặt đất di động và dữ liệu điều hành.
Hệ thống đã hỗ trợ hơn 250.000 chuyến bay, giúp tăng năng suất và khả năng phản ứng trước tình huống thực tế.
Bên cạnh đó, hãng còn đẩy mạnh các giải pháp tự động hoá như tự check-in,
nhận diện khuôn mặt và theo dõi hành lý.
BÀI HỌC TỪ QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM
Tại Việt Nam, Vietjet là hãng hàng không tiên phong, chủ động triển khai dịch vụ
tự phục vụ mặt đất thông qua công ty thành viên Vietjet Ground Services (VJGS).
Bắt đầu từ ngày 4/9/2020 tại sân bay Nội Bài, Vietjet trở thành hãng tư nhân đầu tiên xây dựng năng lực khai thác mặt đất nội bộ, hướng đến mục tiêu tăng tính tự chủ trong vận hành, tối ưu chi phí và cải thiện linh hoạt lịch bay – đặc biệt trong giai đoạn cao điểm.
Từ một mô hình thử nghiệm, VJGS đã nhanh chóng chứng minh hiệu quả khi đảm nhiệm hơn 51.000 chuyến bay, phục vụ 9,87 triệu lượt khách và xử lý trên 67.000 tấn hàng hóa chỉ riêng trong năm 2024.
Đáng chú ý, Nội Bài là sân bay căn cứ đầu tiên đạt chỉ tiêu thời gian quay đầu (TAT)
đối với toàn bộ dòng tàu bay Vietjet đang khai thác – một chỉ số quan trọng về hiệu suất. Đơn vị này cũng đã đạt chứng nhận ISAGO của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), khẳng định mức độ tuân thủ an toàn trong dịch vụ mặt đất theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Xem thêm tại: