Boeing và cuộc khủng hoảng chưa từng có
Những sự cố của Boeing
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, Boeing đã phải đối mặt với hai sự cố liên quan đến các dòng máy bay của hãng, khiến các chuyên gia nhận định, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn nữa với Boeing và cuộc khủng hoảng mà gã khổng lồ trong ngành hàng không thế giới phải đối mặt không biết bao giờ mới có hồi kết.
Vào ngày 11/3, máy bay Boeing 787 của hãng hàng không LATAM Airlines (Chile), đã gặp sự cố rung lắc mạnh khi đang trên đường từ Sydney (Australia) đến Auckland (New Zealand). Vụ việc đã khiến 50 người bị thương. Đây là sự cố lớn thứ 2 từ đầu năm của gã khổng lồ Boeing.
Trước đó, ngày 5/1, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 9 mang số hiệu 1282 của hãng hàng không Mỹ Alaska Airlines cất cánh từ sân bay Portland, bang Oregon đến thành phố Ontario, bang California, đã gặp sự cố sau khi khởi hành khoảng 20 phút. Khi ở độ cao gần 5.000 mét, cửa sổ và một mảnh thân máy bay đã bung ra, nổ tung giữa không trung. May mắn là không có ai ngồi ở ghế 26A và 26B, nơi mảnh vỡ nổ tung. Sự cố xảy ra trước khi máy bay đạt đến độ cao hành trình, thời điểm hành khách bắt đầu được tháo dây an toàn.
Năm 2019, máy bay Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Ethiopia – Ethiopian Airlines bị rơi ngay sau khi cất cánh, 157 người đã thiệt mạng.
Năm 2018, máy bay Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Indonesia Lion Air đã bị rơi, khiến 189 người thiệt mạng.
Những sự cố này đã khiến dòng Boeing 737 Max bị cấm khai thác trên toàn thế giới trong gần 2 năm. Gần đây, khi các vấn đề mới xuất hiện, Boeing lại càng thêm đau đầu với bài toán lấy lại niềm tin khách hàng vốn đã bị lung lay trước đó.
Những kẽ hở trong quy trình sản xuất của Boeing
Tờ New York Times dẫn báo cáo kết quả cho thấy dòng máy bay 737 MAX không vượt qua được cuộc kiểm tra toàn diện khi chỉ đạt 33 trong tổng số 89 bài kiểm tra.
Riêng đối với Spirit AeroSystems – công ty chuyên sản xuất và lắp đặt thân máy bay cho dòng MAX, các quy trình sản xuất và lắp đặt chỉ vượt qua được 6 trong 13 bài kiểm tra. Ngoài ra, quy trình kiểm tra riêng đối với khóa chốt cửa thân máy bay cũng phát hiện ra 5 sai sót và đã không đạt tiêu chuẩn lắp đặt chốt cửa an toàn.
Bà Jennifer Homendy – Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ – cho biết: “Chúng tôi đang tập trung vào dòng máy bay này nhưng cũng sẽ không loại trừ khả năng mở rộng cuộc điều tra hơn nữa. Khi phát hiện ra lỗi hệ thống hoặc kỹ thuật, chúng tôi sẽ ban hành một hướng dẫn an toàn để thúc giục nhà sản xuất cần thay đổi”.
FAA cho biết đã phát hiện những kẽ hở trong quy trình sản xuất của Boeing, bao gồm không tuân thủ trong kiểm soát quy trình sản xuất, xử lý và lưu trữ các bộ phận cũng như hoạt động đánh giá sản phẩm.
Ông Jeff Wise – nhà báo chuyên về mảng hàng không – cho biết thêm: “Thực tế là đã có nhiều bàn luận về việc Boeing đã cố gắng cắt giảm chi phí, đặc biệt là chi phí cho các nhà cung cấp linh kiện, từ nhiều năm nay. Vấn đề này khá phức tạp vì xét về góc độ kinh doanh thì đây là chiến lược thường thấy của các doanh nghiệp để giảm chi phi và tăng lợi nhuận cho công ty. Đã có nhiều bài viết chỉ trích việc Boeing có xu hướng ưu tiên lợi nhuận hơn so với an toàn và cuối cùng lựa chọn này đã bóp nghẹt con ngỗng đẻ trứng vàng cho hãng”.
Khó khăn đang bủa vây Boeing
Khủng hoảng liên tiếp khiến danh tiếng của Boeing đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đi kèm với đó là thiệt hại tài chính. Số lượng đơn hàng suy giảm đẩy Boeing vào thế khó chồng khó.
Theo hãng tin Reuters, các hãng hàng không tại Mỹ cảnh báo rằng kế hoạch tăng công suất bay sẽ không như kỳ vọng bởi Boeing liên tục trì hoãn trong việc giao máy bay. Điều này đã tác động đến nỗ lực đáp ứng nhu cầu đi lại đang lớn dần của hành khách. Theo đó, trong 2 tháng đầu năm, Boeing chỉ nhận 18 đơn hàng máy bay mỗi tháng, trong khi mức trung bình năm 2023 là 121 đơn/tháng. Đặc biệt, tháng 1 là thời điểm hãng có kết quả kinh doanh kém nhất kể từ sau đại dịch, với chỉ vỏn vẹn 3 đơn hàng.
Là hãng hàng không chỉ khai thác máy bay Boeing, Southwest Airlines chịu thiệt hại nặng nề khi phải cắt giảm số chuyến bay và thẩm định lại dự báo tài chính với lý do nhận ít máy bay Boeing hơn kế hoạch. Trong khi đó, United Airlines đã thông báo sẽ phải tạm dừng việc tuyển dụng phi công vì các tàu bay mới do Boeing cung cấp sẽ được giao hàng muộn. Tình trạng các đơn đặt hàng bị “dồn ứ”, chậm bàn giao khiến nhiều hãng cũng đang chuyển sang đặt hàng từ Airbus, đối thủ lớn duy nhất của Boeing trên thị trường hàng không thời điểm này.
Khó khăn chưa dừng lại đó. Sau sự cố máy bay Boeing 737 MAX-9 bị bung cửa, hãng sản xuất Boeing đang phải đối mặt với đơn kiện chung với Alaska Airlines từ 3 hành khách có ghế ngồi gần với vị trí bị rơi, với con số đòi bồi thường lên tới 1 tỷ USD.
Giải pháp nào cho Boeing?
Giới chuyên gia chỉ ra rằng, dù cuộc khủng hoảng mà Boeing đang phải đối mặt không dễ gì tháo gỡ, nhưng không phải là không có giải pháp.
Theo đó, giải pháp trước tiên chính là tập trung vào các chuyến bay thay vì tài chính. Trong nhiều năm, gã khổng lồ này đã quá ưu tiên chi phí mà thiếu đầu tư vào vấn đề kỹ thuật. Do đó, việc chuyển đổi trọng tâm để giải quyết triệt để các vấn đề về an toàn bay là thật sự cần thiết. Về phía Boeing, tập đoàn cho biết sẽ bổ sung hàng loạt khâu giám sát và cải thiện quy tình sản xuất và tìm kiếm các mối nguy hiểm tiềm tàng về an toàn.
Những áp lực mà Boeing đang phải đối mặt sẽ là phép thử lớn cho tương lai của hãng, trong bối cảnh những sự cố trên đã làm xói mòn đáng kể vị thế của nhà sản xuất máy bay hàng đầu nước Mỹ.
Việc giảm máy mới xuất xưởng của Boeing được cho là sẽ khiến tốc độ chuyển đổi sang các dòng máy bay có công nghệ tiên tiến ứng dụng nhiên liệu bay bền vững sẽ khó có thể tăng tốc trong thời gian tới. Giám đốc điều hành United Airlines vừa cho biết ông đã yêu cầu Boeing ngừng chế tạo máy bay dòng 737 MAX-10 cho hãng vì mốc thời gian chứng nhận của máy bay đã trở nên không chắc chắn trong bối cảnh các dòng 8 hay 9 vừa gặp phải quá nhiều rắc rối.
Xem thêm:
Phát triển bền vững cùng vận tải hàng không
Dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế