Không có ghế an toàn tuyệt đối trên máy bay
Dựa trên dữ liệu khảo sát, các chuyên gia hàng không cho rằng không có vị trí an toàn tuyệt đối trên máy bay
và khả năng sống sót phụ thuộc vào bối cảnh từng vụ tai nạn.
Năm 2024 liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn hàng không thảm khốc khiến thắc mắc
“làm thế nào để sống sót trong tai nạn máy bay” được nhiều người nhắc đến hơn.
Theo các chuyên gia hàng không Mỹ, khả năng sống sót phần lớn phụ thuộc vào hoàn cảnh
vụ tai nạn cũng như cách sắp xếp chỗ ngồi và hành động của tổ bay khi gặp sự cố.
Công bố của tạp chí Time dựa trên dữ liệu của chính phủ Mỹ năm 2015 chỉ ra ghế phía sau máy bay là nơi an toàn hơn
Kết quả dựa trên đánh giá 17 vụ tai nạn hàng không từ năm 1985 đến 2000, gồm số người tử vong và sống sót
cùng sơ đồ chỗ ngồi.
Nếu chia máy bay làm ba phần đầu, giữa và cuối thì những ghế thuộc phần cuối có tỷ lệ tử vong 32%.
Trong đó, ghế giữa ở khu vực cuối có tỷ lệ tử vong thấp nhất, 28%.
Tỷ lệ tử vong của các hàng ghế nằm giữa thân máy bay là 39% và ở phần trước là 38%.
Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ thương vong cao nhất nằm ở hàng ghế cạnh lối đi ở phần giữa máy bay, với 44% gặp nạn.
Trước đó, tạp chí Khoa học công nghệ Popular Mechanics sau khi phân tích 20 vụ tai nạn máy bay
chỉ ra tỷ lệ sống sót ở phần đuôi máy bay là 69%. Phần giữa và đầu có tỷ lệ sống sót lần lượt đạt 56% và 49%.
Theo phân tích, hàng ghế sau có thể chịu lực G ít hơn. Lực G là gia tốc tương đối của vật so với khi rơi tự do,
và được tính theo gia tốc trọng trường (g), g = 9,81m/s^2.
Do đó, phần trước và giữa thường hấp thụ phần lớn lực va chạm.
Phần đuôi máy bay có thể vẫn nguyên vẹn khi va chạm trực diện với nước hoặc địa hình, ngay cả khi nó bị tách khỏi thân.
Vụ tai nạn của Japan Airlines năm 1985 có 4 người sống sót. Đây là những khách ngồi ở phần đuôi khi máy bay đâm vào sườn núi.
Tai nạn của Delta Air Lines cùng năm đó tại Texas có 27 người sống sót, hầu hết ngồi ở đuôi máy bay.
Năm 2012, Discovery Channel cố tình để một chiếc Boeing 727
chở người nộm đâm xuống sa mạc để phân tích khả năng sống sót.
Các chuyên gia phát hiện phần giữa và đuôi ít gây thương vong nhất,
trong khi phần đầu máy bay chịu lực G gấp 12 lần. Phần giữa và đuôi chịu lực lần lượt là 8 và 6.
Hành động của phi hành đoàn cũng góp phần tăng khả năng sống sót.
Nói về vụ rơi máy bay ở Kazakhstan hôm 25/12, chủ tịch Azerbaijan Airlines Samir Rzayev đã nói về
“chủ nghĩa anh hùng” của các phi công – những người đã tử nạn. “
Sự tận tụy, dũng cảm đến phút cuối của phi hành đoàn khi làm nhiệm vụ và ưu tiên
mạng sống của hành khách đã khiến tên tuổi của họ được lưu danh trong lịch sử”, Samir nói.
Cơ trưởng Chesley “Sully” Sullenberger là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất
về những phi công có khả năng ra quyết định nhanh chóng, cứu sống nhiều người.
Năm 2009, máy bay của hãng US Airways do Sully lái bị hỏng động cơ khi bay qua thành phố New York.
Ông đã phản ứng kịp thời bằng cách hạ cánh trên sông Hudson vì không có đường băng nào gần đó.
Tất cả hành khách và phi hành đoàn đều sống sót, và vụ hạ cánh trên sông đi vào lịch sử,
được mọi người ca ngợi bằng cụm từ “phép màu trên sông Hudson”.
Năm 1989, máy bay của hãng United Airlines bị rơi ở bang Iowa,
Mỹ do hỏng động cơ, các phi công đã hạ càng đáp để hấp thụ những cú va chạm.
184 người trong số 296 hành khách, phi hành đoàn sống sót.
Ngày 2/1, máy bay chở 379 người của Japan Airlines bốc cháy trên đường băng sau khi va chạm
với phi cơ cảnh sát biển tại sân bay Haneda, Nhật Bản. Quá trình sơ tán trật tự,
có kỷ luật của hành khách và phi hành đoàn đã tạo nên kỳ tích cứu mạng 379 người trong vụ cháy máy bay ở Tokyo.
Tuy vậy, theo các nhà chức trách Mỹ, không có ghế an toàn nhất trên máy bay
vì mỗi vụ tai nạn đều khác nhau, phụ thuộc nhiều yếu tố như cách máy bay va chạm với mặt đất,
liệu có xảy ra hỏa hoạn sau đó hay không.
Vụ hạ cánh trên mặt nước của Sully là một ví dụ về việc phần sau
của máy bay có thể gặp rủi ro cao nhất khi hạ cánh vì bị ngập nước.
Trong tình huống đó, những hành khách ngồi phía cuối là những người thoát ra sau cùng.
Trong vụ tai nạn của hãng hàng không United ở Iowa,
những người sống sót đều ngồi ở hàng ghế sau khoang hạng nhất, phần phía trước cánh máy bay.
Họ có thể sống sót vì máy bay đâm xuống đất và vỡ trong khi hạ cánh, giúp những người ngồi vị trí này thoát ra dễ dàng hơn.
Một cuộc điều tra khác chỉ ra một số người không tử vong vì va chạm mà do ngạt khói.
Năm 1977, một chiếc Pan Am và một chiếc Boeing 747 của hãng KLM đã va chạm ở Tenerife,
Tây Ban Nha, khiến 583 người thiệt mạng. Đây cũng là một trong những vụ tai nạn máy bay nhiều người chết nhất.
Tuy nhiên, 61 hành khách ngồi ở phần đầu máy bay Pan Am sống sót do máy bay của KLM đâm vào phần giữa và sau máy bay.
Bất chấp kết quả khác nhau về ghế ngồi nào an toàn nhất trong các vụ tai nạn,
nhiều chuyên gia vẫn chỉ ra rằng máy bay vẫn là phương tiện công cộng an toàn nhất nhờ quy tắc an toàn bay và những cải tiến trong thiết kế.
Báo cáo về khả năng sống sót năm 2020 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ
cho thấy 1,3% số người tử vong do các vụ tai nạn hàng không thương mại từ năm 2001 đến 2017.
Số liệu này giảm mạnh so với mức 4,7% theo khảo sát từ năm 1983 đến 2000.
Xem thêm tại