Tham gia giao thông bằng phương tiện xe cơ giới, xe ô tô, mô tô trở lên đồng nghĩa với việc phải đóng rất nhiều loại phí trong đó có phí cầu đường và cầu cảng. Vậy Lệ phí cầu đường – cầu cảng là gì? Tất cả sẽ được làm rõ trong bài viết sau.
Phí cầu đường – cầu cảng là gì?
Như chúng ta đã biết, cầu đường – cầu cảng của Nhà nước quản lý là những cầu, đường được xây dựng mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn có nguồn gốc từ ngân sách. Do đó, cần phải có đủ khoản tiền để bù đắp lại cho những chi phí đã dùng để xây và sửa cầu đường. Chính vì thế, phí cầu, đường – cầu cảng là khoản thu để bù đắp chi phí của ngân sách Nhà nước đầu tư, xây dựng, mua sắm, sửa chữa và quản lý cầu, đường cầu cảng bảo đảm phục vụ hoạt động vận tải, giao thông xã hội.
Mọi chi phí cho hoạt động của cầu đường phải lập dự toán, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, có chứng từ hợp lệ theo quy định của Bộ Tài chính. Mọi khoản tiền thu phí cầu, đường phải quản lý qua ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành. Tất cả các cầu, đường – cầu cảng thu phí trái với quy định của pháp luật và hướng dẫn tại điểm này thì phải nộp toàn bộ số tiền phí cầu, đường đã thu được vào ngân sách nhà nước.
Những đối tượng phải đóng phí cầu đường – cầu cảng
+ Tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ, kể cả máy kéo, máy xúc, máy ủi, cần cẩu và các máy cơ giới khác, kể cả phương tiện cơ giới đường bộ thuộc lực lượng quốc phòng, an ninh thực tế đi qua cầu, đường quy định thu phí thì đều phải chịu phí cầu, đường tương ứng.
+ Tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng phương tiện giao thông thuộc đối tượng phải chịu phí cầu đường, thực tế sử dụng cầu, đường quy định thu phí.
Những đối tượng được miễn đóng phí cầu đường – cầu cảng
Thông tư Số: 57/1998/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 27. 4 năm 1998 cũng quy định rõ những đối tượng không phải đóng phí cầu đường – cầu cảng là:
+ Xe chuyên dùng cứu thương; trong trường hợp các phương tiện cơ giới khác đang chở người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu thì cũng không phải nộp phí.
+ Xe đám tang, bao gồm cả xe tang và xe chở người đi theo xe tang.
+ Xe đang chở khách của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và tổ chức chính trị – xã hội, có xe công an hộ tống.
+ Xe của cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế thường trú tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao. Trường hợp này, người sử dụng xe phải xuất trình chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ do Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp.
+ Xe chuyên dùng cho thương binh, người tàn tật do chính thương binh hoặc người tàn tật sử dụng.
+ Các phương tiện cơ giới đang làm nhiệm vụ đột xuất, khẩn cấp theo lệnh huy động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, như: xe hộ đê, xe phòng chống lụt bão, chống dịch bệnh.
+ Xe của lực lượng an ninh đang sử dụng đuổi bắt kẻ gian.
+ Xe chuyên dùng vào mục đích an ninh, quốc phòng (xe tăng, xe bọc thép, xe xích, xe cứu hoả và các xe chuyên dùng khác).
+ Xe cơ giới đang thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cổ động các chính sách của Đảng và Nhà nước theo lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền.
+ Xe Nhà báo sử dụng.
+ Công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên sử dụng xe gắn máy 2 bánh thường xuyên phải qua lại cầu, đường thì được giảm phí bằng việc được mua vé tháng.