Máy bay vẫn là phương thức di chuyển an toàn nhất hiện nay
VOV.VN – Những vụ tai nạn hàng không thương tâm trong năm 2024 đã khiến nhiều du khách lo lắng
Năm 2024 được coi là một năm thảm họa đối với ngành hàng không.
Đầu tháng 1/2024, 5 thành viên phi hành đoàn trên máy bay của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản
đã thiệt mạng sau vụ va chạm với máy bay của Hãng hàng không Japan Airlines ở Sân bay Haneda.
Japan Airlines cho biết toàn bộ 379 hành khách trên máy bay bốc cháy đã được sơ tán an toàn.
Vào mùa hè, vụ tai nạn thảm khốc của chiếc máy bay hãng Voepass ở Brazil
đã cướp đi sinh mạng của 62 hành khách và phi hành đoàn.
Cuối năm 2024, thế giới chứng kiến hai vụ tai nạn máy bay thảm khốc là máy bay
của Azerbaijan Airlines rơi Kazakhstan khiến 38 người thiệt mạng, không lâu sau đó,
179 người đã thiệt mạng do một máy bay của Jeju Air
lao khỏi đường băng và bốc cháy dữ dội khi hạ cánh ở Hàn Quốc.
Những vụ tai nạn hàng không thương tâm trong năm 2024 đã khiến nhiều du khách
lo lắng về sự an toàn của mình khi di chuyển bằng phương tiện máy bay.
Theo Mạng lưới An toàn Hàng không, tổng cộng 318 người tử vong trong các vụ tai nạn máy bay vào năm 2024,
khiến đây trở thành năm chết chóc nhất trong ngành hàng không kể từ năm 2018.
Tuy nhiên, liệu di chuyển bằng máy bay có thực sự trở nên kém an toàn
hơn không và du khách có nên lo lắng về những chuyến đi trong tương lai?
Tiến sĩ Hassan Shahidi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Flight Safety Foundation,
một tổ chức phi lợi nhuận tham gia vào mọi khía cạnh của an toàn hàng không nhận định:
“Tính đến cuối năm 2024, ngành hàng không đã vận chuyển an toàn 5 tỷ hành khách trên toàn thế giới.
Chỉ vài ngày trước, năm 2024 được cho là đã lặp lại kỷ lục này”.
Theo nghiên cứu từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT),
việc di chuyển bằng đường hàng không hiện nay đang ngày càng an toàn.
Trong giai đoạn năm 2018-2022, nguy cơ tử vong khi đi máy bay là 1/13,7 triệu
lượt hành khách lên máy bay.
Con số này giảm so với 1/7,9 triệu lượt hành khách lên máy bay trong giai đoạn năm 2008-2017,
và giảm đáng kể so với 1/350.000 lượt hành khách lên máy bay trong giai đoạn năm 1968-1977.
Nghiên cứu từ Học viện Hàng không Embry-Riddle chỉ ra rằng 80%
các vụ tai nạn hàng không có thể là do lỗi của con người.
Sai lầm của phi công được cho là chiếm tới 53% các vụ tai nạn,
trong khi lỗi cơ học chỉ chiếm 21% các trường hợp tai nạn.
Theo nghiên cứu của Airbus, khi máy bay cất cánh và hạ cánh là hai thời điểm có khả năng xảy ra tai nạn cao nhất.
Cả hai vụ tai nạn máy bay vào tháng 12/2024 tại Kazakhstan và Hàn Quốc đều xảy ra khi máy bay hạ cánh,
mặc dù có những yếu tố khác tác động như va chạm với chim, hạ cánh nhưng không có càng đáp.
Điểm sáng nhỏ trong năm kinh hoàng mà ngành hàng không
đã trải qua là mỗi vụ tai nạn đều giúp di chuyển bằng đường hàng không an toàn hơn trong tương lai.
Simon Calder, phóng viên du lịch của tờ Independent,
cho biết tất cả các sự kiện hàng không đáng chú ý trong năm 2024,
có thể dẫn đến tử vong hoặc không, sẽ được phân tích tỉ mỉ để rút kinh nghiệm nhằm
tăng cường an toàn cho ngành hàng không trong tương lai.
Theo bà Northcote, trong khi các nhà sản xuất,
hãng hàng không và cơ quan quản lý nỗ lực duy trì sự an toàn trên bầu trời, việc di chuyển an toàn là nỗ lực của tất cả.
“Nhìn chung, ngành hàng không có hồ sơ an toàn tuyệt vời, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có thể an tâm.
Hồ sơ an toàn chỉ có thể được duy trì bởi nhiều cá nhân với các vai trò
khác nhau để đảm bảo các hoạt động được an toàn”, bà Northcote cho hay.