Trình tự thực hiện:
Bước 1: Doanh nghiệp có nhu cầu thu hẹp hoặc mở rộng diện tích kho ngoại quan đã được Tổng cục Hải quan quyết định thành lập hoặc có nhu cầu di chuyển từ kho ngoại quan đã được Tổng cục Hải quan quyết định thành lập đến địa điểm mới đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 63 Thông tư 128/2013/TT-BTC này thì lập hồ sơ gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Bước 2: Cục Hải quan tỉnh, thành phố sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, tiến hành:
– Kiểm tra hồ sơ;
– Khảo sát thực tế kho bãi;
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quyết định mở rộng, thu hẹp hoặc di chuyển đối với trường hợp di chuyển đến địa điểm mới cùng nằm trong khu vực đã thành lập hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp đối với trường hợp không đủ điều kiện để di chuyển, mở rộng, thu hẹp.
– Trường hợp di chuyển kho ngoại quan đã được thành lập đến địa điểm mới nằm ngoài khu vực đã thành lập thì doanh nghiệp có văn bản đề nghị gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét, báo cáo Tổng cục Hải quan để quyết định di chuyển địa điểm.
– Cách thức thực hiện:
+ Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính
– Thành phần, số lượng hồ sơ:
* Thành phần hồ sơ:
– Đơn xin di chuyển, mở rộng, thu hẹp;
– Sơ đồ kho, bãi khu vực di chuyển, mở rộng, thu hẹp;
– Chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng kho, bãi di chuyển, mở rộng.
* Số lượng hồ sơ: 01 bộ
– Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quyết định mở rộng, thu hẹp hoặc di chuyển đối với trường hợp di chuyển đến địa điểm mới cùng nằm trong khu vực đã thành lập hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp đối với trường hợp không đủ điều kiện để di chuyển, mở rộng, thu hẹp.
– Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Doanh nghiệp
– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Tổng cục Hải quan
b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): Không
c) Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan
d) Cơ quan phối hợp (nếu có): Không
– Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định mở rộng, thu hẹp hoặc di chuyển
– Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không quy định
– Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
Điều kiện thành lập kho ngoại quan thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định 154/2005/NĐ-CP, trong đó phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Vị trí thành lập kho ngoại quan
Kho ngoại quan phải được thành lập trong các khu vực theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 154/2005/NĐ-CP.
b) Diện tích
b.1) Kho ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 5.000 m2 (bao gồm nhà kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó khu vực kho chứa hàng phải có diện tích từ 1.000m2 trở lên.
b.2) Đối với kho chuyên dùng (như: kho lưu giữ vàng, bạc, đá quý; kho chuyên lưu giữ hàng hoá phải bảo quản theo chế độ đặc biệt) diện tích kho ngoại quan có thể nhỏ hơn 5.000 m2 và diện tích kho chứa hàng có thể dưới 1.000m2.
b.3) Đối với bãi ngoại quan chuyên dùng (như: bãi chứa gỗ nguyên liệu, sắt thép,…) phải đạt diện tích tối thiểu 10.000 m2, không yêu cầu diện tích kho.
c) Tường rào ngăn cách với khu vực xung quanh
c.1) Đối với kho ngoại quan nằm trong khu vực cửa khẩu, cảng đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh và trong phạm vi địa bàn kiểm soát, kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan thì không yêu cầu phải có tường rào.
c.2) Đối với kho ngoại quan nằm ngoài khu vực trên thì bắt buộc phải có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh để đảm bảo yêu cầu kiểm soát, kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.
d) Phần mềm quản lý và camera giám sát:
d.1) Chủ kho ngoại quan phải có hệ thống sổ sách kế toán và máy tính được cài đặt phần mềm theo dõi, quản lý hàng hoá nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong kho theo quy định của cơ quan hải quan và được nối mạng với hải quan quản lý kho ngoại quan.
d.2) Kho ngoại quan phải được lắp đặt hệ thống camera giám sát hàng hoá ra, vào và hệ thống có khả năng lưu giữ hình ảnh camera giám sát trong thời hạn 06 tháng để đảm bảo yêu cầu theo dõi, giám sát và truy xuất dữ liệu khi cần thiết của cơ quan hải quan.
– Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
– Luật Hải quan số 29/2001/QH10 và Luật số 42/2005/QH 11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan.
– Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan.
– Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Nếu còn gì thắc mắc hoặc có nhu cầu khai thuê dịch vụ hải quan hãy liên hệ chúng tôi sẽ phản hồi thông tin sớm nhất.