1. Cơ sở pháp lý:
– Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ
– Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BTC-BTNMT ngày 15/11/2012 của liên Bộ Công Thương – Bộ Tài nguyên và Môi trường;
– Thông tư số 01/2013/TT-BTNMT ngày 28 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
2. Một số khái niệm
– Phế liệu: là sản phẩm, vật liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng được thu hồi để dùng làm nguyên liệu sản xuất.
– Thương nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất: là thương nhân có cơ sở sản xuất, sử dụng phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm tại cơ sở sản xuất của mình.
– Thương nhân nhận ủy thác nhập khẩu: là thương nhân nhập khẩu phế liệu theo hợp đồng ủy thác nhập khẩu ký với thương nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
(Căn cứ Điều 3, Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BTC-BTNMT)
– Thương nhân ủy thác nhập khẩu: là thương nhân trực tiếp sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhưng không trực tiếp nhập khẩu phế liệu mà ủy thác cho thương nhân khác nhập khẩu cho mình để làm nguyên liệu sản xuất.
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu: là Giấy chứng nhận cấp cho thương nhân đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BTC-BTNMT có cơ sở sản xuất, sử dụng phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất tại cơ sở sản xuất của mình.
(Căn cứ Điều 3, Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BTC-BTNMT)
3. Đối tượng và điều kiện nhập khẩu phế liệu
3.1. Đối tượng
3.1.1. Thương nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phải có đủ các điều kiện sau:
+ Có kho bãi (có quyền sở hữu hoặc đồng sở hữu, hoặc thuê) dành riêng cho việc tập kết phế liệu bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường;
+ Có công nghệ, thiết bị để tái chế phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu cho sản xuất;
+ Có phương án, giải pháp xử lý phế liệu nhập khẩu đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; đảm bảo mọi chất thải từ quy trình sản xuất đều được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường;
+ Đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
(Căn cứ, điểm 1, Điều 4, Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BTC-BTNMT)
3.1.2. Thương nhân nhập khẩu ủy thác phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có hợp đồng ủy thác nhập khẩu ký với thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận.
+ Hợp đồng ủy thác nhập khẩu phế liệu phải ghi rõ loại phế liệu nhập khẩu và thành phần phế liệu nhập khẩu phù hợp với Giấy chứng nhận được cấp.
+ Phế liệu phải thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
+ Hợp đồng nhập khẩu phế liệu phải ghi rõ nguồn gốc, thành phần phế liệu nhập khẩu phù hợp với hợp đồng ủy thác nhập khẩu và cam kết tái xuất phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu về đến cửa khẩu nhưng không đạt các yêu cầu theo quy định tại Thông tư Liên tịch 34/2012/TTLT- BCT-BTNMT.
(Căn cứ, điểm 2, Điều 4, Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BTC-BTNMT)
3.2. Điều kiện đối với phế liệu nhập khẩu:
– Phế liệu phải thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành đồng thời phải đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu hoặc các yêu cầu về mô tả phế liệu tương ứng trong Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu.
– Đối với những loại phế liệu mới phát sinh do nhu cầu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất nhưng chưa có trong Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét từng trường hợp cụ thể để bổ sung vào Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu.
(Căn cứ Điều 5, Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BTC-BTNMT)
4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận (theo mẫu tại Phụ lục 1)
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
– Một trong các tài liệu sau: Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Phiếu xác nhận Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; Giấy xác nhận hoặc Thông báo chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường; Quyết định phê duyệt hoặc Giấy xác nhận Đề án bảo vệ môi trường (bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
– Kết quả giám sát chất lượng môi trường lần gần nhất của cơ sở sản xuất, nhưng không quá sáu (06) tháng tính đến ngày đề nghị cấp Giấy chứng nhận (bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân). 4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận
(Căn cứ, Điều 7, Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BTC-BTNMT)
5. Ngoài hồ sơ hải quan theo quy định hiện hành về pháp luật hải quan, thương nhân nhập khẩu phế liệu lưu ý:
– Phế liệu nhập khẩu đã được làm sạch để loại bỏ chất thải;
– Những loại vật liệu, vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam; các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
– Đã được lựa chọn, phân loại riêng biệt theo mã HS, tên phế liệu, mô tả phế liệu, yêu cầu chất lượng phù hợp với quy định tại các Danh mục, gồm:
+ Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ;
+ Danh mục phế liệu thu được trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan được phép nhập khẩu vào nội địa để làm nguyên liệu sản xuất ban hành tại Phụ lục II kèm theo Thông tư số 01/2013/TT-BTNMT ngày 28 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.