Hướng đến ngành hàng không phát triển bền vững
Phát triển hàng không theo hướng bền vững là xu thế tất yếu. Những lộ trình cụ thể đã được đặt ra. Nhưng để thực hiện được lộ trình này phải vượt qua nhiều thách thức.
Lộ trình chuyển đổi nhiên liệu bền vững của hàng không
Theo tổ chức International Aviation Climate Ambition Coalition được hỗ trợ bởi ICAO và nội dung Hội nghị IATA lần thứ 77 năm 2021: các Hãng hàng không trong hiệp hội cam kết giảm phát thải CO2 về 0 (net zero carbon) trước năm 2050. Trong đó 65% để cấu thành yếu tố này sẽ từ hoạt động áp dụng SAF (Sustainable Aviation Fuels) – nhiên liệu hàng không bền vững.
Theo nghiên cứu, khi sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững SAF có thể giảm thải đến 80% lượng khí phát thải ra môi trường. Vì vậy việc sử dụng SAF là một trong các nhân tố chính để góp phần giảm thiếu khí thải ra môi trường đối với hãng hàng không.
Theo đánh giá của IATA, việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững SAF được xem là một xu hướng tất yếu. ICAO đã vạch ra lộ trình sử dụng SAF qua từng năm cụ thể. Trong đó, từ nay đến năm 2025, việc sử dụng nhiên liệu bền vững với ngành hàng không sẽ đạt 8%, và tăng lên theo từng năm. Trên thực tế, từ hơn 10 năm trước, ngành hàng không thế giới đã bắt đầu có những thử nghiệm đầu tiên với SAF. Năm 2008, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên dùng nhiên liệu phản lực sinh học do Virgin Atlantic thực hiện. Trong giai đoạn từ 2011-2015, có 22 hãng hàng không đã sử dụng trên 2.500 chuyến bay chở khách thương mại với hỗn hợp pha trộn đến 50% nhiên liệu sinh học.
Tháng 3/2016, United Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên đưa SAF vào hoạt động kinh doanh thông thường bằng cách dùng cho các chuyến bay hàng ngày từ sân bay Los Angeles (LAX), do AltAir cung cấp. Tháng 6/2017, tại hội nghị IATA lần thứ 73 tại Cancun, các thành viên IATA thống nhất giải pháp triển khai sử dụng SAF.
Theo thống kê của tổ chức ICAO và IATA, từ năm 2016 đến nay, có hơn 370.000 chuyến bay đã sử dụng nhiên liệu SAF và hơn 45 hãng hàng không đã có kinh nghiệm sử dụng SAF. Có 46 sân bay đang phân phối nhiên liệu SAF và 21.6 tỷ lít SAF được đồng ý bao tiêu sử dụng.
Điển hình khu vực Châu Á, Hãng hàng không ANA’s đã triển khai áp dụng và kết quả thực hiện từ 2012 đến 2021 được đánh giá rất thành công.
Tại Singapore yêu cầu các chuyến bay từ nước này sử dụng SAF từ năm 2026. Singapore Airlines bắt đầu chương trình thí điểm SAF kéo dài một năm vào tháng 7/2022 và đã pha trộn 1.000 tấn SAF và cung cấp cho các chuyến bay của Singapore Airlines và Scoot tại sân bay Changi.
Tại Malaysia SAF đã bắt đầu pha trộn 1% từ năm 2023, mục tiêu sử dụng SAF đạt 47% vào năm 2050. Nhật Bản yêu cầu 10% SAF cho các chuyến bay quốc tế sử dụng sân bay Nhật Bản vào năm 2030.
Tại Australia, hãng Qantas và Airbus SE.Air.PA sẽ đầu tư 2 triệu USD vào một nhà máy nhiên liệu sinh học đang được thành lập tại bang Queenland để chuyển đổi phụ phẩm nông nghiệp thành SAF.
Khả năng sử dụng nhiên liệu bền vững cho hàng không Việt Nam
Về mặt kỹ thuật, việc sử dụng SAF đối với lĩnh vực hàng không Việt Nam theo các chuyên gia là không quá khó khăn.
Hiện nay, các hãng hàng không đang áp dụng chương trình SAF là đang sử dụng SAF phối trộn (cụ thể là bằng cách phối trộn SAF với nhiên liệu Jet A-1 truyền thống với tỷ lệ tối đa lên đến 50%). Các chỉ tiêu về chất lượng nhiên liệu vẫn phải đáp ứng các yêu cầu ASTM D1655 và DEF STAN 91-91 nên được đánh giá là phù hợp với động cơ máy bay hiện có. Việc sử dụng 100% SAF (theo báo cáo của EASA) chỉ phù hợp với loại động cơ máy bay mới.
Theo nghiên cứu của ASTM, nhiên liệu SAF được sản xuất và pha trộn với Jet A-1 truyền thống tại nhà máy khi đáp ứng các đặc tính kỹ thuật ASTM D7566 (Standard Specification for Aviation Turbine Fuel Containing Synthesized Hydrocarbons) thì hỗn hợp nhiên liệu sẽ đáp ứng các đặc tính kỹ thuật của ASTM D1655 và Def Stan 91-91 về chất lượng nhiên liệu.
Nhiên liệu này được phép tham gia vào mạng lưới lưu trữ, phân phối nhiên liệu phản lực thông thường và được coi như nhiên liệu phản lực thông thường.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lâu nay việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống dễ bị tổn thương trước sự thiếu linh hoạt về địa lý và sự biến động của giá dầu thô, cung và cầu. Ngược lại, với phạm vi nguyên liệu có thể để sản xuất SAF làm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung đơn lẻ một nguồn tài nguyên.
Hơn nữa, sản xuất nguyên liệu không bị giới hạn trong các trữ lượng tài nguyên hóa thạch, cho phép chuỗi cung ứng địa lý đa dạng hơn. Chuỗi cung ứng này có thể tiếp tục được mở ra cơ hội kinh tế – xã hội hiện chưa phổ biến trong ngành hàng không, đặc biệt là đối với các khu vực nông nghiệp như Việt Nam.
Từ những đánh giá trên, việc sử dụng nhiên liệu SAF cho tàu bay của ngành hàng không Việt nam hoàn toàn khả thi bằng việc sử dụng loại nhiên liệu phối trộn (nhiên liệu SAF phối trộn với nhiên liệu Jet A-1 truyền thống). Bên cạnh đó, việc hoạch định từ nhu cầu của hãng hàng không và nguồn cung từ nơi sản xuất cũng cần sớm được quan tâm.
Việt Nam chuẩn bị gì cho SAF?
Tại Việt Nam, Chính phủ luôn coi trọng phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực, trong đó có hàng không. Bộ GTVT đang tập trung xây dựng các giải pháp giảm phát thải để triển khai những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26 và COP 28, cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2030. Ngoài ra, với ngành hàng không cũng tham gia và phải đáp ứng nhiều quy định khác của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Theo Quyết định số 876/QĐ-TTG ngày 22/7/2022 về việc “Phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với lĩnh vực hàng không, từ năm 2035 sẽ sử dụng tối thiểu 10% nhiên liệu bền vững cho một số chuyến bay ngắn; 100% phương tiện chở khách và phương tiện khác trong sân bay đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Từ năm 2040, tất cả các phương tiện hoạt động trong khu bay sử dụng điện, năng lượng xanh (trừ các phương tiện đặc thù chưa sử dụng năng lượng điện).
Từ năm 2050, chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Tùy thuộc điều kiện công nghệ, lượng phát thải còn lại được thực hiện bằng cách bù đắp cac-bon để đạt phát thải ròng bằng “0”.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, giá thành của nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) hiện vẫn đang còn khá cao. Đây cũng là thách thức của các hãng hàng không Việt Nam khi triển khai áp dụng nhiên liệu SAF, gián tiếp làm tăng giá vé máy bay. Theo nghiên cứu, giá của SAF so với nhiên liệu hàng không truyền thống hiện nay đang cao hơn từ 2 – 3 lần
Ngoài ra, việc xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phát triển và sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), như các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất và sử dụng nhiên liệu SAF, các quy định sử dụng nhiên liệu SAF… cũng là vấn đề mới mà các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cần tập trung nghiên cứu trong thời gian tới.
Xem thêm: