Trình tự thực hiện:
Bước 1: Thông báo về hàng hóa gửi trong kho ngoại quan
1. Chậm nhất là 15 ngày, trước ngày hợp đồng thuê kho ngoại quan hoặc hợp đồng gia hạn thuê kho ngoại quan hết hạn, chủ kho ngoại quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ hàng hóa và Chi cục Hải quan biết về hợp đồng thuê kho hoặc hợp đồng gia hạn thuê kho sắp hết hạn.
2. Định kỳ hàng quý, chậm nhất là ngày 15 của tháng đầu tiên quý sau, chủ kho ngoại quan có trách nhiệm báo cáo Chi cục Hải quan về tình hình hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan theo Biểu mẫu số 04/HHTĐ-NQ. Trường hợp có hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 15/2014/TT-BTC , chủ kho ngoại quan có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xử lý hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan gửi Chi cục Hải quan để xử lý.
Trường hợp chưa đến thời hạn báo cáo định kỳ nhưng chủ kho ngoại quan phát hiện hàng hàng hóa đủ điều kiện xác định là hàng hóa tồn đọng là hàng hóa dễ bị hư hỏng, hàng đông lạnh, hóa chất nguy hiểm, độc hại, hàng hóa có hạn sử dụng còn dưới 60 ngày, chủ kho ngoại quan có trách nhiệm lập hồ sơ trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện, gửi Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan.
Bước 2: Xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành kiểm kê, phân loại, Hội đồng lập Tờ trình kèm hồ sơ báo cáo Cục trưởng Cục Hải quan quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục trưởng Cục Hải quan ra quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo Mẫu số 02/QĐ-XL.
Bước 3: Tổ chức xử lý hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan
1. Kiểm kê, phân loại, định giá hàng hóa tồn đọng
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thành lập (hoặc 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, đề nghị xử lý hàng hóa tồn đọng của Chi cục Hải quan đối với các Cục Hải quan thành lập Hội đồng hoạt động thường xuyên), Hội đồng phải thực hiện các công việc sau đây:
a) Mở niêm phong hàng hóa hoặc niêm phong container (nếu có);
b) Kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng;
c) Xác định giá trị hàng hóa tồn đọng;
d) Lập Bảng kê chi tiết hàng hóa tồn đọng theo mẫu số 02/TH-HĐ;
đ) Bàn giao hàng hóa tồn đọng cho Doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi bảo quản, chờ xử lý.
2. Lập, phê duyệt phương án xử lý hàng hóa tồn đọng
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành kiểm kê, phân loại, định giá, Hội đồng có trách nhiệm lập phương án xử lý hàng hóa tồn đọng, trình Cục trưởng Cục Hải quan.
b) Hình thức xử lý hàng hóa tồn đọng:
b.1) Chuyển giao cho cơ quan nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý đối với hàng hóa có giá trị văn hóa – lịch sử, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh;
b.2) Chuyển giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để quản lý, sử dụng đối với hàng hóa còn sử dụng được là phương tiện vận tải, máy móc, trang thiết bị và phương tiện làm việc, thiết bị thí nghiệm theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
b.3) Tiêu hủy đối với hàng hóa không còn giá trị sử dụng (mục nát, đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất, quá hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng) hoặc thuộc diện buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật Việt Nam; trường hợp đặc biệt cần xử lý theo hình thức khác để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, Cục Hải quan báo cáo Tổng cục Hải quan để phối hợp với Cục Quản lý công sản trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định;
b.4) Bán trực tiếp (không thông qua đấu giá) trong các trường hợp sau đây:
– Thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; hàng hóa, vật phẩm dễ cháy nổ (xăng, gas, dầu, khí hóa lỏng và các chất dễ cháy nổ khác);
– Hàng thực phẩm đã qua chế biến mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày;
– Thuốc chữa bệnh, thuốc thú y mà hạn sử dụng còn dưới 60 ngày;
– Các loại hàng hóa khác nếu không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, hết thời hạn sử dụng;
– Hàng hóa theo kết quả định giá của Hội đồng có giá trị dưới 50 triệu đồng/lô hàng hóa.
b.5) Bán đấu giá đối với hàng hóa không thuộc phạm vi quy định tại các điểm b.1, b.3, b.4 nêu trên và tài sản quy định tại điểm b.2 nhưng không xử lý theo hình thức chuyển giao.
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng xử lý trình phương án xử lý hàng hóa tồn đọng, Cục trưởng Cục Hải quan quyết định phương án xử lý hàng hóa tồn đọng theo Mẫu số 03/QĐ-PA theo thẩm quyền hoặc báo cáo Tổng cục Hải quan để phối hợp với Cục Quản lý công sản trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định đối với trường hợp chuyển giao theo quy định tại điểm b.1, điểm b.2.
d) Đối với những hàng hóa có yêu cầu quản lý đặc biệt của Nhà nước, Cục Hải quan báo cáo Tổng cục Hải quan để phối hợp với Cục Quản lý công sản báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hình thức xử lý. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức xử lý theo quy định.
3. Thực hiện xử lý hàng hóa tồn đọng
Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định phương án xử lý hàng hóa tồn đọng, Hội đồng phải hoàn thành việc thực hiện xử lý theo quy định sau đây:
a) Đối với hàng hóa tiêu hủy:
a.1) Hội đồng tổ chức thực hiện việc tiêu hủy hoặc thuê các tổ chức có chức năng để thực hiện việc tiêu hủy; việc tiêu hủy phải được lập thành Biên bản.
Nội dung chủ yếu của Biên bản tiêu hủy gồm: căn cứ thực hiện tiêu hủy; thời gian, địa điểm tiêu hủy; thành phần tham gia tiêu hủy; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của hàng hóa tại thời điểm tiêu hủy; hình thức tiêu hủy và các nội dung khác có liên quan.
a.2) Hình thức tiêu hủy:
Tuỳ thuộc vào tính chất, đặc điểm của hàng hóa, vật phẩm và yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, việc tiêu hủy được thực hiện theo các hình thức sau đây:
– Sử dụng hóa chất;
– Sử dụng biện pháp cơ học;
– Hủy đốt;
– Hủy chôn;
– Hình thức khác theo quy định của pháp luật.
a.3) Đối với loại hàng hóa mà việc tiêu hủy làm ảnh hưởng đến môi trường thì phải được sự chấp thuận và hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường sở tại trước khi tổ chức tiêu hủy.
b) Đối với hàng hóa chuyển giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành quản lý, xử lý hoặc chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng, Hội đồng tổ chức bàn giao tài sản cho đơn vị tiếp nhận theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập thành biên bản. Nội dung chủ yếu của Biên bản gồm: thành phần tham gia bàn giao; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng tài sản bàn giao; giá trị tài sản bàn giao (nếu có) và các nội dung khác có liên quan.
Đối với hàng hóa xử lý theo phương thức chuyển giao, thực hiện hạch toán ghi thu ngân sách trung ương khi quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và phương án xử lý; thực hiện ghi chi ngân sách trung ương khi chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Giá trị hàng hóa ghi thu, ghi chi ngân sách là giá do Hội đồng xác định.
c) Đối với hàng hóa bán trực tiếp (không thông qua đấu giá):
Trên cơ sở giá trị hàng hóa được xác định, Hội đồng niêm yết thông tin về việc bán hàng hóa tại trụ sở Chi cục Hải quan và Cục Hải quan trong thời hạn 03 ngày. Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký mua thì tổ chức bốc thăm giữa các tổ chức, cá nhân để xác định người được mua hàng hóa. Việc bốc thăm để xác định người mua được hàng hóa phải do Hội đồng thực hiện dưới sự chứng kiến của những người đăng ký mua hàng hóa; người đăng ký mua không tham dự bốc thăm sẽ bị mất quyền mua hàng hóa. Việc bốc thăm để xác định người mua được hàng hóa phải được lập thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng và đại diện người đăng ký mua hàng hóa. Hội đồng xử lý hàng hóa chịu trách nhiệm về tính công khai, minh bạch của việc bốc thăm lựa chọn người được mua hàng hóa.
Việc bán hàng hóa phải được lập thành Hợp đồng mua bán hàng hóa tồn đọng. Nội dung chủ yếu của Hợp đồng gồm: căn cứ thực hiện bán; thời gian, địa điểm bán; người bán; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của hàng hóa tại thời điểm bán; đơn giá bán, giá trị thanh toán; người mua và các nội dung khác có liên quan.
d) Đối với hàng hóa bán đấu giá:
d.1) Giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá là giá do Hội đồng xử lý xác định (đã bao gồm các loại thuế, phí theo quy định);
d.2) Hội đồng thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá hàng hóa tồn đọng; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, Chủ tịch Hội đồng mời đại diện Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có hàng hóa tồn đọng tham gia Hội đồng để tổ chức bán đấu giá hàng hóa tồn đọng.
d.3) Trình tự, thủ tục bán đấu giá hàng hóa tồn đọng được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
đ) Người mua được hàng hóa Điều này có trách nhiệm thanh toán tiền mua hàng hóa cho Hội đồng, không phải làm thủ tục nhập khẩu, không phải nộp các loại thuế và lệ phí liên quan đến nhập khẩu.
e) Trường hợp bán trực tiếp, người mua hàng hóa có trách nhiệm thanh toán tiền mua hàng hóa trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ký Hợp đồng. Sau thời hạn này, nếu người mua không thanh toán tiền mua hàng hoặc sau 15 ngày, kể từ ngày người mua hàng thanh toán tiền mua hàng mà không đến nhận hàng hoặc không đưa hàng hóa ra khỏi khu vực giám sát hải quan mà không có lý do chính đáng, Hội đồng tổ chức thông báo lại về việc bán hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều này để lựa chọn người mua hàng hóa (trong trường hợp người mua không thanh toán là người duy nhất đăng ký mua) hoặc tổ chức bốc thăm giữa các tổ chức, cá nhân đăng ký mua còn lại để lựa chọn người mua kế tiếp (trong trường hợp khi bán lần đầu có nhiều người đăng ký mua). Số tiền người mua đã thanh toán được quản lý theo quy định, không hoàn trả cho người mua.
Trường hợp bán đấu giá, người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán tiền mua hàng và đưa hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày ký Hợp đồng. Sau thời hạn này, nếu người trúng đấu giá không thanh toán và không đến nhận hoặc không đưa hàng hóa ra khỏi khu vực giám sát hải quan mà không có lý do chính đáng, Hội đồng tổ chức bán đấu giá lại theo quy định. Số tiền đặt cọc và số tiền đã thanh toán (nếu có) được quản lý theo quy định, không hoàn trả cho người mua.
4. Khi bán hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan, sau khi người mua thanh toán và đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan, Hội đồng có trách nhiệm cung cấp bộ chứng từ cho người mua, gồm:
a) Hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước theo Mẫu số 01/TSSQ-3L.04 ban hành kèm theo Quyết định số 12/2004/QĐ-BTC ngày 09/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính: 01 bản chính;
b) Hợp đồng mua bán hàng hóa tồn đọng (trong trường hợp bán trực tiếp) hoặc Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (trong trường hợp bán đấu giá): 01 bản chính;
c) Phiếu xuất kho của chủ kho ngoại quan: 01 bản chính.
5. Người mua được hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan không phải làm thủ tục nhập khẩu, không phải nộp các loại thuế và lệ phí liên quan đến nhập khẩu.
Bước 4: Sau khi kết thúc bán đấu giá, Hội đồng xử lý có trách nhiệm:
– Chi kiểm kê, phân loại hàng hóa;
– Chi giám định, định giá hàng hóa;
– Chi đăng tải thông tin về hàng hóa tồn đọng;
– Chi văn phòng phẩm, in ấn, photo tài liệu;
– Phí bán đấu giá (trong trường hợp thuê các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện).
– Chi phí bốc xếp, nâng hạ hàng hóa, lưu kho, bãi, dịch vụ kho ngoại quan (nếu có).
Toàn bộ các chi phí kho, bãi, kho ngoại quan trước ngày Cục trưởng Cục Hải quan ra quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước do chủ hàng hóa chi trả; trường hợp chủ hàng hóa từ bỏ, từ chối hoặc không chi trả thì Doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, chủ kho ngoại quan, Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.
– Chi bồi dưỡng cho các thành viên của Hội đồng xử lý và Tổ giúp việc trong quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng (kiểm kê, phân loại, giám định, định giá, lập phương án, tổ chức bán hàng hóa).
– Chi phí vận chuyển hàng hóa để phục vụ cho việc xử lý hàng hóa.
– Chi phí thực hiện tiêu hủy hàng hóa (bao gồm các chi phí liên quan đến xử lý môi trường khi thực hiện tiêu hủy).
– Cách thức thực hiện:
+ Tại trụ sở cơ quan hành chính
– Thành phần, số lượng hồ sơ:
* Thành phần hồ sơ:
Hồ sơ đề nghị xử lý hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan bao gồm:
a) Công văn đề nghị xử lý hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan của chủ kho ngoại quan gửi Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan: 01 bản chính;
b) Hợp đồng thuê kho ngoại quan; Hợp đồng gia hạn thuê kho ngoại quan (nếu có): 01 bản sao;
c) Các thông báo của chủ kho ngoại quan cho chủ hàng hóa (nếu có): 01 bản sao;
d) Văn bản của chủ hàng hóa về việc từ bỏ hàng hóa gửi trong kho ngoại quan (nếu có): 01 bản sao;
đ) Bảng kê số lượng, chủng loại, quy cách hàng hóa còn tồn đọng trong kho ngoại quan, số hợp đồng thuê kho, số/ngày tờ khai nhập, xuất kho ngoại quan: 01 bản chính;
e) Các hồ sơ, chứng từ khác liên quan đến hàng hóa gửi kho ngoại quan: 01 bản sao.
Các bản sao phải được ký xác nhận và đóng dấu của chủ kho ngoại quan.
* Số lượng hồ sơ: Hồ sơ đề nghị xử lý hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan được lập thành hai (02) bộ; một (01) bộ gửi Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan, một (01) bộ lưu tại kho ngoại quan.
– Thời hạn giải quyết:
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành kiểm kê, phân loại, Hội đồng lập Tờ trình kèm hồ sơ báo cáo Cục trưởng Cục Hải quan quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục trưởng Cục Hải quan ra quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo Mẫu số 02/QĐ-XL.
– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thành lập (hoặc 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, đề nghị xử lý hàng hóa tồn đọng của Chi cục Hải quan đối với các Cục Hải quan thành lập Hội đồng hoạt động thường xuyên), Hội đồng phải thực hiện kiểm kê, phân loại, định giá hàng hóa tồn đọng.
– Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định phương án xử lý hàng hóa tồn đọng, Hội đồng phải hoàn thành việc thực hiện xử lý hàng tồn đọng
– Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, Tổ chức
– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Hội đồng
b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): Chủ tịch hội đồng
c) Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Chi cục Hải quan
d) Cơ quan phối hợp (nếu có): Sở Tài chính; Sở Tài nguyên môi trường
– Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định xử lý
– Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không có.
– Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
1. Hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan quá thời hạn 90 ngày, kể từ ngày hết hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan mà chủ hàng hóa không ký hợp đồng gia hạn hoặc không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan.
2. Hàng hóa hết hạn hợp đồng gia hạn thuê kho ngoại quan mà chủ hàng hóa không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan.
3. Hàng hóa trong thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan nhưng chủ hàng hóa có văn bản từ bỏ hàng hóa gửi kho ngoại quan.
4. Đối với hàng hóa còn trong thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan nhưng chủ kho ngoại quan phát hiện hàng hóa đó bị hư hỏng gây ô nhiễm môi trường, hàng hóa hết hạn sử dụng thì chủ kho ngoại quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ hàng hóa hóa biết để xử lý theo quy định và hợp đồng thuê kho ngoại quan. Trường hợp quá hạn xử lý theo thông báo mà chủ hàng hóa không xử lý
– Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
– Luật Hải quan số 29/2001/QH10 và Luật số 42/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan.
– Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan.
– Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
– Thông tư số 15/2014/TT-BTC ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan.