1. Nhãn hàng hóa là gì
1.1. Định nghĩa
Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.
1.2. Mục đích sử dụng nhãn hàng hóa:
– Giúp nhà sản xuất cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu mình.
– Để các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát khi hàng hóa được đưa ra thị trường tiêu thụ.
1.3. Phân loại nhãn hàng hóa:
– Nhãn gốc là nhãn thể hiện lần đầu, do người sản xuất dán trên sản phẩm, bao bì sản phẩm.
– Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc, được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa, bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt, mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu, tham khảo các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn tại mục 4 bên dưới.
2. Vị trí dán nhãn theo quy định về nhãn hàng hóa:
– Nhãn hàng hóa phải được dán trên sản phẩm, bao bì sản phẩm ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng.
– Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.
3. Quy định về ngôn ngữ, kích thước chữ và số trên nhãn:
– Ngôn ngữ trên nhãn phải được thể hiện bằng tiếng Việt Nam. Trong trường hợp nhãn gốc thể hiện bằng ngôn ngữ nước ngoài (như trường hợp hàng nhập khẩu), thì trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường tiêu thụ, nhà cung cấp (công ty phân phối, công ty nhập khẩu) cần dán nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, lên sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm, với đầy đủ các thông tin bắt buộc như mục 4 bên dưới.
– Kích thước chữ và số trên nhãn phải đọc được bằng mắt thường. Trường hợp nhãn hàng hóa dùng trong ngành thực phẩm, thì chiều cao chữ của các nội dung bắt buộc trên nhãn không được thấp hơn 1.2 mm. Đối với trường hợp một mặt của bao gói dùng để ghi nhãn (không tính phần biên giáp mí) nhỏ hơn 80 cm2 thì chiều cao chữ không được thấp hơn 0.9 mm.
4. Nội dung ghi trên nhãn theo quy định về nhãn hàng hóa
– Tên sản phẩm: do người sản xuất tự đặt, nhưng tên sản phẩm phải thể hiện đúng bản chất, công dụng và thành phần của sản phẩm.
– Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu sản xuất sản phẩm (không được viết tắt). Đối với hàng nhập khẩu; hàng bán qua đại lý bán hàng trực tiếp cho thương nhân nước ngoài; hàng nhượng quyền về nhãn hàng hóa; hàng lắp ráp, đóng gói; thì trên nhãn còn phải thể hiện thêm tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân có liên quan.
– Chi tiết về định lượng hàng hóa theo khối lượng (mg, g, kg); thể tích (ml, l); đơn vị đo độ dài (mm, cm, m); đơn vị đo diện tích (mm2, cm2, m2); thể tích khối (mm3, cm3, m3).
– Ngày sản xuất, hạn sử dụng
– Xuất xứ hàng hóa
– Thành phần, thành phần định lượng:
+ Trường hợp lượng nước đưa thêm vào làm nguyên liệu để sản xuất, chế biến và tồn tại trong sản phẩm, hàng hóa: ghi là một thành phần của hàng hóa đó.
+ Trường hợp tên của thành phần được ghi trên nhãn hàng hóa, để gây sự chú ý đối với hàng hóa, thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng. Ví dụ: Trên nhãn ghi riêng cụm từ “Hàm lượng Can xi cao” thì phải ghi hàm lượng Can xi là bao nhiêu.
+ Đồ gia dụng kim khí, đồ dùng được chế tạo từ một loại nguyên liệu chính quyết định giá trị sử dụng thì phải ghi tên thành phần nguyên liệu chính cùng với tên hàng hóa và không phải ghi thành phần và thành phần định lượng. Ví dụ: Hàng hóa có tên ghi trên nhãn là chậu nhựa, giày da, chiếu trúc, ghế sắt, khăn giấy, đệm cao su, bình sứ thì không phải ghi thành phần và thành phần định lượng.
– Thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo an toàn.
– Các nội dung khác thể hiện trên nhãn hàng hóa, những nội dung này phải phản ánh chính xác bản chất của hàng hóa, không vi phạm pháp luật:
+ Mã số, mã vạch, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy.
+ Hướng dẫn sử dụng.