Thủ tục nhận hàng quà biếu từ nước ngoài là thắc mắc của nhiều khách hàng cá nhân nhờ tư vấn về những thủ tục nhận hàng quà biếu của thân nhân, bạn bè từ nước ngoài gửi về. Sau đây chúng tôi xin trích dẫn trả lời của cơ quan Hải Quan về những thủ tục liên quan.
1. Về chính sách mặt hàng:
– Theo quy định tại tiểu mục 3 mục II Phụ lục 1 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài thì hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, bao gồm các nhóm hàng sau cấm nhập khẩu: Hàng dệt may, giày dép, quần áo; Hàng điện tử; Hàng điện lạnh; Hàng điện gia dụng; Thiết bị y tế; Hàng trang trí nội thất; Hàng gia dụng bằng gốm, sành sứ, thuỷ tinh, kim loại, nhựa, cao su, chất dẻo và chất liệu khác; Hàng hoá là sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng.
Như vậy, Ông (Bà) có thể nhận các quà biếu tặng nếu chúng không thuộc các nhóm hàng hóa cấm nhập khẩu nêu trên.
– Theo quy định tại tiểu mục b.2 khoản mục b mục 4 Điều 105 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2010 Hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát Hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì hàng hoá của các tổ chức, cá nhân từ nước ngoài biếu, tặng cho các cá nhân Việt Nam với trị giá hàng hoá không vượt quá một triệu đồng, hoặc trị giá hàng hoá vượt quá một triệu đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới năm mươi nghìn đồng thì được miễn thuế (không phải làm thủ tục xét miễn thuế nhập khẩu).
Hàng hoá là quà biếu, quà tặng có trị giá vượt quá định mức xét miễn thuế, miễn thuế nêu trên thì phải nộp thuế đối với phần vượt (thuế nhập khẩu và thuế GTGT).
2. Trường hợp hàng gửi về qua đường bưu chính:
* Về khai hải quan:
Căn cứ khoản 3.3 Điều 4 Thông tư số 99/2010/TT-BTC ngày 09 tháng 7 năm 2010 Quy định thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính: Doanh nghiệp (Tổng công ty Bưu chính Việt Nam) thay mặt chủ hàng trực tiếp làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (trừ thư, túi ngoại giao, túi lãnh sự), chịu trách nhiệm thực hiện chính sách về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách thuế, lệ phí, thu khác theo quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ sau đây của chủ hàng:(a). Khai hải quan; (b). Xuất trình hàng hoá để công chức hải quan kiểm tra; (c) . Nộp thuế, lệ phí, các khoản thu khác theo quy định hiện hành (nếu có); (d). Nhận hàng xuất khẩu để xuất ra nước ngoài, nhận hàng nhập khẩu để chuyển trả cho chủ hàng.
Cũng theo Điều 4 Thông tư nêu trên: Trường hợp chủ hàng yêu cầu trực tiếp làm thủ tục hải quan thì chủ hàng trực tiếp khai hải quan trên tờ khai hải quan. Trường hợp chủ hàng yêu cầu tờ khai hải quan riêng cho hàng hoá của mình thì doanh nghiệp khai trên tờ khai hải quan riêng.
Như vậy, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam sẽ thay mặt Ông (Bà) làm các thủ tục và thực hiện các nghĩa vụ về thuế nếu có đối với lô hàng hóa nhập khẩu của Ông (Bà) ngoại trừ trường hợp Ông (Bà) yêu cầu trực tiếp thực hiện các việc trên.
* Về thủ tục Hải quan:
Thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 Điều 4 Thông tư 99/2010/TT-BTC nêu trên. Doanh nghiệp (Tổng công ty Bưu chính) chịu trách nhiệm quản lý hàng hoá và tự tổ chức phát hàng hóa nhập khẩu cho chủ hàng sau khi Chi cục Hải quan quyết định thông quan.
3. Trường hợp hàng gửi về qua đường chuyển phát nhanh:
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 100/2010/TT-BTC ngày 09/7/2010 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường hàng không quốc tế thì: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường hàng không quốc tế làm thủ tục hải quan tại trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu, trụ sở Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu.
Theo quy định tại tiểu mục 1.3.2 mục 1.1 khoản 1 Điều 6 Thông tư số 100/2010/TT-BTC thì: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh thay mặt chủ hàng trực tiếp làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (trừ thư, túi ngoại giao, túi lãnh sự), chịu trách nhiệm thực hiện chính sách về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách thuế, lệ phí, thu khác và các quyền, nghĩa vụ của chủ hàng theo quy định của pháp luật.
Đối với hàng hoá là quà biếu, quà tặng có trị giá vượt quá định mức xét miễn thuế, miễn thuế nêu trên thì phải nộp thuế đối với phần vượt (thuế nhập khẩu và thuế GTGT).
4. Về thuế, suất thuế nhập khẩu hàng hóa:
Muốn biết thuế suất một loại hàng hóa cần xác định chi tiết mã HS của hàng hóa đó. Muốn xác định HS một mặt hàng phải căn cứ vào tính chất và thành phần cấu tạo, quy cách của hàng hóa thực tế nhập khẩu. Ông (Bà) chỉ nêu tên mặt hàng: quần áo, mỹ phẩm. Do đó, chúng tôi không có đủ cơ sở để đưa ra câu trả lời cụ thể. Đề nghị Ông (Bà) tùy theo quy cách của hàng hóa, tham khảo:
Chương 61 “Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc.” Chương 62 “Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc”.
33.04: Mỹ phẩm hoặc các chế phẩm để trang điểm và các chế phẩm dưỡng da (trừ dược phẩm), kể cả các chế phẩm chống nắng hoặc bắt nắng; các chế phẩm dùng để trang điểm móng tay hoặc móng chân
của Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính; áp dụng 06 (sáu) quy tắc phân loại tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 156/2011/TT-BTC để áp mã số HS chi tiết cho mặt hàng mình nhập khẩu.
Trên cở sở đó, Ông (Bà) có thể tham khảo thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 193/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính.
5. Về thuế giá trị gia tăng:
Thực hiện theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng, Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ, Biểu thuế giá trị gia tăng theo Danh mục hàng hóa của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 131/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính.