Vietnam Airlines đạt doanh thu, lợi nhuận kỷ lục
Năm 2024, hãng hàng không quốc gia Việt Nam ước đạt doanh thu hơn 114.700 tỷ đồng
và lãi trước thuế trên 7.300 tỷ, cao nhất từ trước đến nay.
Thông tin trên được ông Lê Hồng Hà, CEO Vietnam Airlines,
nêu tại hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, diễn ra ngày 26/12.
Năm 2024, Vietnam Airlines vận chuyển 22,7 triệu lượt khách, tăng 8%.
Sản lượng hàng hóa chuyên chở khoảng 314.700 tấn, tăng tới 40%.
Mỗi tàu bay của hãng bình quân hoạt động 11 giờ mỗi ngày, tăng đến 25% so với năm 2023.
Doanh thu hợp nhất của hãng ước đạt 114.741 tỷ đồng, tăng 23% so với năm ngoái.
Hãng hàng không quốc gia ước lãi hợp nhất trước thuế 7.324 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Con số này cũng gấp hơn hai lần mức lợi nhuận Vietnam Airlines đạt được thời kỳ đỉnh cao những năm 2018, 2019 trước đại dịch.
Lãnh đạo doanh nghiệp chưa lý giải nguyên nhân lãi kỷ lục cả năm 2024.
Tuy nhiên, hồi giữa năm, Vietnam Airlines đã ghi nhận lãi hợp nhất hơn 5.200 tỷ đồng,
trong đó cho biết việc công ty con Pacific Airlines được xóa nợ
đã đóng góp rất lớn vào kết quả này với khoảng 4.500 tỷ đồng.
Với kết quả này, Vietnam Airlines đã chấm dứt chuỗi thua lỗ 4 năm liên tiếp.
Dẫu vậy, tính đến cuối tháng 9, hãng này vẫn còn lỗ lũy kế hơn 35.000 tỷ đồng.
Tại phiên họp bất thường tháng sau, Vietnam Airlines dự kiến trình đại hội đồng cổ đông phương
án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ và những định hướng trong Đề án phục hồi sản xuất, cơ cấu đến 2035.
Động thái này nhằm giúp công ty nhanh chóng cải thiện năng lực tài chính,
đảm bảo ổn định dòng tiền trong dài hạn.
Doanh nghiệp cũng xin ý kiến cổ đông về chủ trương với dự án đầu tư đội tàu bay thân hẹp.
Cuối tháng 11, Quốc hội đã thông qua các giải pháp để gỡ khó cho hãng hàng không từ ảnh hưởng của đại dịch.
Theo đó, Vietnam Airlines được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn
điều lệ thêm tối đa 22.000 tỷ đồng theo hai giai đoạn, khi đáp ứng các quy định của Luật Chứng khoán.
Cụ thể, giai đoạn 1, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được phép thay mặt Chính phủ
đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines. Đây là quyền mua cổ phần của cổ đông
Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi hãng thực hiện phương án tăng vốn giai đoạn 1
với quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2, Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp, với quy mô tối đa 13.000 tỷ đồng.
Theo đề án tổng thể, đến năm 2025, công ty dự kiến khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất,
tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư. Việc này sẽ giúp hãng tăng thu nhập,
dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu.
Xem thêm tại:
Vietjet muốn thuê 2 máy bay Trung Quốc cho chặng bay Côn Đảo.
Chuyên gia nói về điều kiện triển khai taxi bay ở Việt Nam